-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Chính phủ muốn giảm tiếp lãi suất cho vay
Đăng bởi Minh Quân vào lúc 09/01/2024
Nhàđầutư
Chính phủ chỉ đạo NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm chi phí, đơn giản thủ tục cho vay và phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Theo đó, Chính phủ chỉ đạo ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Cụ thể, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Chính phủ yêu cầu thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát. Các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời, Chính phủ khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, hạn chế và tiến tới sớm chấm dứt "tín dụng đen".
Trong năm 2023, nền kinh tế đối diện với khó khăn về lạm phát, tỷ giá, sự cố Ngân hàng SCB tác động đến thanh khoản và tâm lý thị trường. Dù vậy, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã chủ động, chắc chắn và linh hoạt trong điều hành. Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,35%, Việt Nam đồng chỉ mất giá 2,9% và là một trong những đồng tiền có tính ổn định cao. NHNN đã chủ động 4 lần giảm lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất cho vay giảm so với cuối năm ngoái hơn 2%, về bằng thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Tín dụng chảy vào nền kinh tế còn chậm và mới tăng cao vào cuối năm nhờ loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đến hết năm, tăng trưởng tín dụng 13,7%, thấp hơn đáng kể so với mức 14,18% của năm trước.
Năm 2024, Thống đốc chia sẻ NHNN nhận thức nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đã chuẩn bị tâm thế ứng phó linh hoạt với tình hình và sẽ tập trung xử lý những vấn đề tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng như xử lý ngân hàng yếu kém và xử lý các khoản nợ xấu đang có xu hướng gia tăng.
NHNN tập trung vào các vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm và đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt như điều hành tín dụng. Ngay từ những ngày đầu năm, NHNN đã đưa ra định hướng điều hành tín dụng là 15%. Bên cạnh đó, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình, nếu như lạm phát được kiểm soát ở mức thấp sẽ có điều chỉnh phù hợp. Ngược lại, nếu lạm phát tăng cao, NHNN sẽ sử dụng các công cụ tiền tệ để kiểm soát nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thay mặt NHNN đưa ra 2 kiến nghị. Thứ nhất, trong điều kiện dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao như một số tổ chức quốc tế cảnh báo, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, cần giải quyết vấn đề về vướng mắc pháp lý để tạo điều kiện cho các dự án hoạt động trở lại và hạn chế nợ xấu phát sinh, tạo điều kiện phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng, nhất là nguồn vốn trung, dài hạn.
Thứ hai, NHNN nhìn nhận, hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm 95% nhưng vẫn gặp khó khăn nên các giải pháp của Chính phủ cần tập trung vào nhóm này theo những giải pháp đã có trong Luật như bảo lãnh vay vốn ngân hàng. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn xanh bền vững vốn đang rất khắt khe, bởi nếu không đáp ứng những tiêu chuẩn này thì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó khăn.