icon icon icon

Áp lực ngành gỗ

Đăng bởi Minh Quân vào lúc 24/03/2023
xuat-khau-go

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế có thể đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nội thất gỗ trong năm 2023. Ảnh Internet

Trong báo cáo phân tích mới đây, VNDirect cho biết năm 2022, khoảng 90% giá trị gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) của Việt Nam là từ các thị trường xuất khẩu, 54% từ Mỹ và tiếp theo là Trung Quốc với 13,4%.

Tuy nhiên nhóm phân tích này nhận thấy triển vọng vĩ mô kém khả quan của Mỹ đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nhà ở và xây dựng nhà ở. Lãi suất cho vay mua nhà của Mỹ tăng lên 6,1%, mức cao nhất kể từ năm 2011 trong khi giá nhà trung bình tăng 10,4% so với cùng kỳ trong quý 4/2022, điều này đã làm giảm sức mua nhà tại Mỹ. Do vậy các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ có tỷ trọng xuất khẩu cao tới thị trường Mỹ như PTB, GDT, SAV sẽ bị sụt giảm doanh thu xuất khẩu khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ trong năm 2023.

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gỗ lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm hơn 13% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2022 là gỗ nguyên liệu với hơn 20 mặt hàng, chủ yếu là dăm gỗ. Hiện dăm gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, chưa niêm yết. Ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gỗ chính của Việt Nam, chiếm 37% thị phần vào năm 2022.

"Chúng tôi cho rằng việc mở cửa trở lại một số mặt hàng xuất khẩu ròng của Trung Quốc có thể giúp giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp gỗ như PTB, TTF, GDT", VNDirect nhận định.

Dù vậy hướng ngược lại, việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế có thể đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nội thất gỗ trong năm 2023 bởi hiện Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Hai quốc gia đang có thị phần tại Mỹ ngang nhau, ở mức 31%. Do vậy các công ty G&SPG có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao như PTB, NHT, GDT sẽ gặp khó khăn trong nửa sau 2023.

Cùng chung quan điểm, Agriseco Research cũng cho rằng triển vọng lợi nhuận quý 1/2023 của ngành gỗ sẽ kém khả quan trong bối cảnh nhu cầu sử dụng đồ gỗ nội thất tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ hay EU suy giảm do lạm phát và suy thoái kinh tế. Thị trường nội địa cũng bị ảnh hưởng tiêu cực do ngành bất động sản đang gặp nhiều khó khăn.

"Mặc dù các sản phẩm gỗ và nội thất của Trung Quốc vẫn đang nằm trong danh mục chịu mức thuế cao khi xuất khẩu sang Mỹ, việc Trung Quốc mở cửa trở lại vẫn sẽ khiến sản phẩm gỗ và nội thất của quốc gia này cạnh tranh với Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ", Agriseco Research nêu quan điểm.

Ngoài ra, VNDirect cho rằng giá ván ép – nguyên liệu đầu vào chính của ngành G&SPG sẽ vẫn ở mức thấp trong khoảng từ 410 USD/tấm đến 415 USD/tấm do thị trường bất động sản còn nhiều bất ổn. Do đó, đơn vị này dự báo giá ván ép sẽ giảm 5%-10% so với cùng kỳ trong năm 2023. Tuy nhiên, các công ty G&SPG sẽ phải giảm giá bán bình quân để thu hút nhiều khách hàng hơn. Do đó, kỳ vọng rằng biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ giảm 0,6% -1% trong năm 2023.

Giá cổ phiếu G&SPG hiện được giao dịch ở mức PE trượt trung bình là 9,3 lần. VNDirect tin rằng việc định giá cổ phiếu G&SPG đang ở mức hợp lý do nhu cầu toàn cầu giảm và áp lực tới biên lợi nhuận gộp vẫn còn ít nhất cho đến quý 4/2023. Vì vậy nhà đầu tư nên chờ đợi những tín hiệu phục hồi rõ ràng hơn để đầu tư vào cổ phiếu gỗ.

Tags : áp lực kinh tế gia tăng lạm phát kinh tế ngành gỗ xuất khẩu gỗ
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

DỰ ÁN