-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Dữ liệu kinh tế châu Âu ngày càng u ám, báo hiệu rủi ro suy thoái
Đăng bởi Minh Quân vào lúc 25/08/2023
(KTSG Online) – Hoạt động kinh doanh ở châu Âu lại suy giảm trong tháng 8, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11-2020 do tác động của lãi suất, chi phí năng lượng cao và nhu cầu bên ngoài suy yếu. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, ghi nhận các hoạt động kinh doanh giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng đại dịch Covid-19. Các chuyên gia cho rằng dữ liệu mới nhất báo hiệu khu vực sử dụng đồng euro (gồm 20 nước) sẽ rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm nay.
Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tổng hợp, gồm sản xuất và dịch vụ, của khu vực eurozone do S&P Global công bố hôm 23-8, giảm xuống 47 điểm trong tháng 8 từ mức 48,6 trong tháng 7. Mức điểm này thấp hơn so với mức điểm 48,8 theo dự báo của các nhà kinh tế. Nếu phân tách cụ thể, PMI dịch vụ giảm xuống 48,3 điểm, mức thấp nhất trong 30 tháng, và PMI sản xuất tăng nhẹ từ 42,7 trong tháng 7 lên 43,7 trong tháng này.
Chỉ số PMI trên 50 đánh dấu sự mở rộng hoạt động, và cho thấy sự thu hẹp nếu dưới 50. Nếu loại trừ các tháng đại dịch Covid-19 thì dữ liệu mới nhất đánh dấu mức điểm số PMI tổng hợp thấp nhất của eurozone kể từ tháng 4-2013.
Cyrus de la Rubia, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng thương mại Hamburg, cho biết tin xấu là lĩnh vực dịch vụ của euzone cũng có dấu hiệu suy giảm, không còn giúp bù đắp cho hiệu quả hoạt động kém của ngành sản xuất.
Andrew Kenningham, nhà kinh tế tại Công ty tư vấn Capital Economics, nhận định sự sụt giảm trong hoạt động dịch vụ của eurozone, cho thấy “sự phục hồi của ngành du lịch và khách sạn đang chững lại”. Ông nói thêm: “Có rất nhiều lý do để dự đoán nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm nay, trong đó Đức có thể là nền kinh tế có hiệu suất tăng trưởng tồi tệ nhất”.
Dựa vào phân tích kết quả điểm số PMI nói trên, Rubia cũng dự báo nền kinh tế eurozone sẽ suy giảm 0,2% trong quí 3. Trong hai quí đầu tiên, eurozone chỉ tăng trưởng ở mức yếu ớt do tác động của lãi suất cao và giá năng lượng đắt đỏ cũng như nhu cầu bên ngoài yếu đi.
Tuy nhiên, chỉ số PMI của eurozone che giấu sự khác biệt rõ ràng trong khu vực. Ví dụ, Đức báo cáo hoạt động kinh doanh sụt giảm sâu nhất so với các nền kinh tế thành viên eurozone khác trong tháng 8. Chỉ số PMI tổng hợp của Đức trong tháng 8 giảm xuống mức thấp nhất trong 38 tháng với lượng đơn hàng mới và hàng tồn kho đều giảm.
Rubia cho biết, áp lực giảm tốc đối với eurozone trong tháng 8 chủ yếu do lĩnh vực dịch vụ của Đức chuyển từ tăng trưởng sang thu hẹp với tốc độ bất thường. Điểm số PMI sản xuất của Đức cũng sụt giảm trong tháng này, làm dấy lên lo ngại Đức sẽ trở ‘người bệnh của châu Âu’, một thuật ngữ ám chỉ đến sự tăng trưởng kinh tế trì trệ kéo dài.
Cuộc khảo sát của S&P Global cho thấy, các công ty ở eurozone ghi nhận đà suy giảm của áp lực lạm phát đang đảo ngược. Giá trung bình mà các công ty tính cho hàng hóa và dịch vụ tăng lần đầu tiên sau bảy tháng. Chi phí đầu vào tiếp tục giảm đối với các nhà sản xuất, nhưng chi phí của các công ty dịch vụ tăng nhẹ do lương và giá nhiên liệu tăng.
Dữ liệu kinh tế gần đây dẫn đến tranh luận về việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể làm gì trong cuộc họp vào tháng tới.
Sau cuộc họp tháng 7, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, ngân hàng này có thể tăng lãi suất hoặc giữ nguyên. Nhưng quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào dữ liệu mới.
“Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng lạm phát dịch vụ sẽ giảm bớt trong những tháng tới để thuyết phục ECB không tăng lãi suất trong tháng 9”, Melanie Debono, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Âu của Pantheon Macro Economics, cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng.
Mark Wall, nhà kinh tế trưởng châu Âu của ngân hàng Deutsche Bank, nói: “Chúng tôi dự kiến ECB sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 9, nhưng vẫn chưa rõ lạm phát có phải đang hướng đến mục tiêu mà ECB mong muốn hay không. Và chúng ta không nên hiểu sai rằng sự tạm dừng tăng lãi suất là đỉnh điểm của chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện tại”.
Tuy nhiên, những chuyên gia khác không đồng ý với nhận định này. “Việc làm trì trệ kết hợp với sản lượng giảm dẫn đến sản lượng bình quân đầu người thấp hơn. Do đó, ECB có thể không sẵn sàng tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 9”, Rubia nói.
Các nhà phân tích được Refinitiv thăm dò ý kiến cho rằng ECB rất có thể sẽ giữ nguyên lãi suất hiện tại 3,75% trong cuộc họp tháng tới.
Theo CNBC, Financial Times