-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Người lao động lao đao trong làn sóng cắt giảm việc làm
Đăng bởi Minh Quân vào lúc 03/03/2023
Nhà sản xuất đang xoay xở tìm mọi cách xoay xở để duy trì nhà xưởng, trong khi người lao động thì âu lo về tương lai khi thu nhập ngày càng teo tóp.
Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 1-2023 đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) bị giảm đơn hàng, phải giảm giờ làm của hơn 546.800 người lao động. Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các doanh nghiệp FDI, chiếm 75%…
Khi đơn hàng tiếp tục sụt giảm
Chia sẻ tại hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất (HawaExpo 2023) diễn ra ở TPHCM gần đây, bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Sao Nam, cho biết Mỹ là thị trường xuất khẩu chính, chiếm khoảng 90% lượng xuất khẩu của công ty nhưng nhu cầu từ quốc gia này tiếp tục giảm mạnh trong các tháng đầu năm 2023 khiến lượng đơn hàng chỉ đạt khoảng 60-65% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Công ty TNHH Bảo Hưng, dù đã tránh được tình trạng sụt giảm đơn hàng trong những tháng cuối năm 2022 nhưng bước sang năm 2023, doanh nghiệp này cũng không thể duy trì được lực lượng nhân công và thời gian làm việc, tăng ca của người lao động bởi đơn hàng tại thị trường Mỹ giảm mạnh, khiến hoạt động chung của doanh nghiệp cũng giảm theo.
“Mới 2-3 tuần sau Tết, chúng tôi đã thấy có dấu hiệu hủy hoặc lùi đơn hàng từ đối tác nhập khẩu. Hiện đơn hàng giảm 20-25% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ Mỹ, thị trường chiếm khoảng 50% lượng đơn hàng của công ty”, ông Phùng Quốc Cường, Giám đốc marketing của công ty Bảo Hưng nói, và cho biết điều này buộc công ty phải giảm giờ làm với người lao động.
Theo ông Cường, từ trước Tết, doanh nghiệp đã áp dụng chính sách giảm giá để giữ khách hàng nhưng do nguồn hàng nhập khẩu từ năm trước với giá cao vẫn chưa tiêu thụ được nên đối tác chưa thể đặt hàng.
Sản phẩm làm ra cũng chủ yếu xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco) Điền Quang Hiệp cho biết, đơn hàng công ty trong những tháng đầu nay bị giảm đến 40% nên buộc công ty phải giảm giờ làm và cắt giảm lao động.
Trên thực tế cho thấy xuất khẩu ngành đồ gỗ bị giảm sâu. Dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1 đạt 806 triệu đô la Mỹ, giảm đến gần 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt gần 492 triệu đô la, giảm gần hơn 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là nhiều thị trường lớn trên thế giới vẫn đối mặt với lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng mới giảm.
Đáng chú ý, Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam (chiếm gần 60% tổng kim ngạch) nhưng trong tháng đầu năm chỉ đạt 367,3 triệu đô la, giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ xảy ra với ngành gỗ, các lĩnh vực khác như may mặc, giày dép, điện tử… cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề của lạm phát tăng cao và khó khăn kinh tế ở các thị trường xuất khẩu lớn.
Đơn cử với ngành da giày, tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TPHCM) gần đây đã công bố sẽ không tái ký hợp đồng với hàng ngàn lao động có hợp đồng lao động từ 1–3 năm khi hết hạn hợp đồng cũ.
Trước đó, vào cuối tháng 11-2022, công ty vốn Đài Loan này đã thông báo sắp xếp làm việc luân phiên đối với khoảng 20.000 công nhân tại nhà máy ở quận Bình Tân.
Xoay xở duy trì nhà xưởng sản xuất
Để đi đến quyết định giảm giờ làm hoặc cắt giảm lao động theo hầu hết doanh nghiệp là chuyện chẳng đặng đừng bởi lẻ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU,… tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp.
Bên cạnh sụt giảm đơn hàng nhiều, đại diện Công ty PouYuen cũng cho biết rất khó để dự báo chính xác tình hình phát triển kinh doanh trong thời gian tới. Tình hình này không riêng với nhà sản xuất có lượng công nhân lớn hàng đầu
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cũng khẳng định tình hình sản xuất của doanh nghiệp ở các ngành khá ảm đạm. Ông Hòa dẫn chứng, với ngành chế biến gỗ, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng. Cụ thể: 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, 50% doanh nghiệp còn 30 – 40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng.
Riêng ngành dệt may, do lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu chính của dệt may như Mỹ, EU nên lượng tiêu thụ giảm tới 60%. Hệ lụy, tồn kho tăng lên chiếm 20-25% dẫn đến quí 4-2022 và quí 1-2023 khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới.
Hiện tại, các doanh nghiệp cho biết xoay xở mọi cách để duy trì sản xuất và hạn chế để lực lượng lao động mất việc. Bà Đỗ Thị Kim Loan cho biết ngay khi thị trường Mỹ chững lại, lãnh đạo công ty Sao Nam đã chuyển sang các thị trường khác như Úc, Canada… để bù đắp phần nào lượng sụt giảm từ thị trường chính.
“Khi thị trường khó khăn chung, chúng tôi tìm kiếm thị trường Canada và chấp nhận làm gia công cho khách hàng ở Úc. Hiện có các nhà nhập khẩu ván gỗ Úc chuyển nguyên liệu sang cho công ty theo hình thức tạm nhập tái xuất, chúng tôi sẽ thực hiện các công đoạn gia công để thành phẩm, đóng gói và xuất trở lại cho họ. Tỷ trọng tham gia vào các sản phẩm này chỉ khoảng 40-50% nhưng đây là sự thích nghi với thời điểm thị trường Mỹ quá khó”, bà Loan chia sẻ.
Còn theo ông Phùng Quốc Cường, với tình hình lượng tồn kho của nhà nhập khẩu vẫn ở mức cao, Công ty TNHH Bảo Hưng phải phát triển sản phẩm thì đơn hàng mới có thể quay trở lại. “Hiện nay, thị trường xuất khẩu nào cũng khó khăn, Mỹ, EU, Nhật Bản đều giảm tiêu thụ. Nhưng nếu doanh nghiệp đưa ra được mẫu mã mới, sản phẩm mới, cảm quan của khách hàng sẽ thay đổi và nhu cầu có thể sẽ phục hồi”, ông Cường lưu ý.
Tương tự, ông Nguyễn Phương, đại diện Công ty Minh Thành, cho biết người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu nhưng vẫn có những người có nhu cầu, chỉ là đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng, sự khác biệt thiết kế. Do đó, những doanh nghiệp đầu tư nhiều vào khâu thiết kế, phát triển sản phẩm riêng sẽ thu hút được khách mua hàng quốc tế.
Với ngạch dệt may, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), trước áp lực giảm phát, lạm phát, đồng tiền của các nước mất giá… doanh nghiệp ngành dệt may đã tìm ra đối sách đa dạng hoá thị trường.
“Doanh nghiệp đã chuyển đổi từ gia công sang phát triển mẫu, quản trị số, thúc đẩy giải pháp chuỗi cung ứng tự chủ… “, ông Giang nói, và cho biết nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải chuyển từ sản xuất may mặc sang làm túi xách cho các siêu thị để có công việc cho người lao động, giữ chân họ trong khi chờ ngành dệt may phục hồi.
Nỗi âu lo khác của người lao động xa quê
Không phải nghỉ việc luân phiên như những người lao động ở một số công ty khác nhưng với anh Minh Khải, công nhân của một công ty đồ gỗ ở Bình Dương lại âu lo do mấy tháng nay không có thêm thu nhập từ làm thêm giờ.
Ngoài tiền lương ít ỏi hơn 5 triệu đồng/tháng thì anh Minh Khải không có thêm khoản thu nhập nào khác. Trong khi chi phí trang trải trong cuộc sống hàng ngày như tiền thuê nhà trọ, phí gửi con, học hành, ăn uống… không “đứng yên” mà thậm chí còn tăng theo đà lạm phát. Làm công nhân cho ngành đồ gỗ nhiều năm nay, anh Khải cho biết chưa khi nào thấy ngành gặp khó và hiếm đơn hàng đến vậy.
Trên thực tế anh Minh Khải không phải là người công nhân hiếm hoi lo lắng khi công ty không tăng ca, thêm giờ làm việc. Theo ông Điền Quang Hiệp của Mifaco (tỉnh Bình Dương), hầu hết các công nhân tại Bình Dương và TPHCM, Đồng Nai,… là người lao động ở các tỉnh khác đến làm việc. Để trang trải trong cuộc sống, hầu hết người lao động đều mong muốn làm thêm giờ, tăng ca vì không chỉ kiếm thêm thu nhập mà thời gian làm thêm này còn được chủ doanh nghiệp trả tiền công cao hơn so với giờ làm việc theo quy định.
“Với công nhân phổ thông, tăng ca là cách để họ có thêm thu nhập khi mặt bằng chung thị trường trả khoảng 6-8 triệu mỗi tháng và khó cao hơn”, Giám đốc của một doanh nghiệp may mặc tại TPHCM chia sẻ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đơn hàng bị sụt giảm mạnh hiện nay, nhiều công ty hầu như không tăng ca mà chỉ duy trì làm việc 8 tiếng mỗi ngày, thậm chí là làm cách nhật. Nhu cầu của hai bên “không gặp nhau” khiến doanh nghiệp muốn tuyển nhưng khó tìm người phù hợp và công nhân cần việc nhưng lại chật vật đi tìm.
Thực tế tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng. Những khó khăn này có thể kéo dài, khiến việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực.
Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9-2022 đến tháng 1-2023 có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm. Trong số lao động bị ảnh hưởng có hơn 491.000 người giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương; 7.000 người tạm hoãn hợp đồng lao động; hơn 48.600 người mất việc.
Đáng chú ý, lao động trong doanh nghiệp FDI chiếm 75% tổng số người bị ảnh hưởng, tập trung ở ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, chủ yếu ở phía Nam, như TPHCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang… (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc).
Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, người lao động còn có việc làm toàn thời gian là may mắn. Trong lúc chờ đơn hàng phục hồi trở lại thì cần tập trung thời gian cho gia đình, học tập nâng cao tay nghề.
Các chuyên gia nhận định, thị trường lao động trong thời gian tới sẽ ấm dần lên khi các giải pháp của Chính phủ về thúc đẩy xuất khẩu triển khai có hiệu quả. Và để giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động thì việc đầu tiên là phải tìm kiếm được đơn hàng.
Để làm được việc này, các doanh nghiệp phải cùng với hiệp hội ngành nghề, tham tán của các quốc gia nắm lại thị trường truyền thống của mình, xem có gì thay đổi, thay đổi như thế nào, thay đổi ra sao để từ đó sản xuất hàng hóa theo thị hiếu của người tiêu dùng. Có như vậy mới có thể xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới và phục hồi được thị trường lao động. Khi lạm phát cũng như các yếu tố cân đối vĩ mô ổn định thì hy vọng rằng, trong năm 2023, kinh tế tiếp tục tăng trưởng.
Tuy vậy, trong lúc này để giải quyết bài toán việc làm trong bối cảnh hiện nay, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ Chính phủ đến các cơ quan trung ương và địa phương. Đơn cử như khi PouYuen Việt Nam không tái ký hợp đồng với gần 2.500 lao động thì lập tức được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM kết nối với 15 doanh nghiệp có ngành nghề tương đồng để giới thiệu việc làm.
Hay trước Tết Qúy Mão, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra gói hỗ trợ trích từ kinh phí, mức 1-3 triệu đồng mỗi lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc, mất việc…